Gai gót chân là bệnh gì?
Bệnh gai gót chân do ở xương gót chân có hiện tượng bù đắp canxi dần dần tại những nơi có vi chấn thương trên xương gót (do áp lực của việc di chuyển, đi lại, mang vác, tì đè cơ thể...). Bệnh hay gặp ở người thừa cân, béo phì, tuổi trung niên, vận động viên điền kinh, người có tật bẩm sinh ở chân.
Trên hình ảnh Xquang có thể thấy hình gai xương mọc ra ở xương gót. Gai xương tác động vào tổ chức phần mềm dưới da, là một cân cơ dày, có thể làm viêm các tổ chức mô đệm ở xung quanh gai xương gây nên triệu chứng đau, nếu có viêm tổ chức mô đệm xung quanh thì đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi và đau tăng khi đi lại.
Vì sao bị gai xương gót?
Đối với người lao động mang vác nặng trong một thời gian dài hoặc ở những vận động viên khởi động chưa kỹ, sức nặng cơ thể sẽ đè quá mức vào vùng bắp chân và gân cơ Achille và tập trung vào vùng gót chân. Khi cơ cẳng chân và gân Achille bị quá tải sẽ làm căng cân cơ vùng gan chân dẫn đến phản ứng viêm quanh gân, thậm chí làm đứt gân cơ. Để chống lại các chấn thương đó cơ thể tự bồi phụ một lớp canxi mới bao bọc quanh gân gan chân. Kết quả là hình thành xương nhỏ ở mặt dưới gót chân, gọi là gai xương gót. Tuy nhiên cần lưu ý không phải bất cứ gai xương gót nào cũng gây đau gót chân.
Thực tế là nhiều người chụp Xquang có gai xương gót mà không một lần trong đời xuất hiện đau gót; hoặc nhiều người điều trị hết đau mà gai xương gót vẫn tồn tại. Ngược lại có những người đau ở gót chân mà không có gai xương. Bệnh hay gặp nhất là ở những người béo phì, tuổi trung niên (trên 40 tuổi). Ở những người này lớp mỡ đệm ở gan chân co lại, thoái triển theo thời gian dẫn đến cơ chế đệm kém hiệu quả; vận động viên phải luyện tập, thi đấu hàng ngày, cường độ cao...
Triệu chứng bệnh gai xương gót
Đau nhức nhối, chói buốt ở vùng gan chân hay xương gót. Điển hình là triệu chứng đau kiểu cơ học: đau tăng sau một đợt vận động mạnh đột ngột hay kéo dài, giảm sau khi nghỉ ngơi một thời gian. Đau nhất thường vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy và thực hiện những bước đi đầu tiên trong ngày, phải đi đi lại lại một lúc mới giảm cảm giác đau.
Để phòng bệnh cần khởi động kỹ khớp cổ chân và căng cơ chân trước khi lao động hay chơi thể thao. Sau đó thư giãn, thả lỏng chân, gác chân cao, mát-xa gan chân. Nếu cần tập chạy hay đi bộ, tốt nhất là thực hiện cuộc chạy hay đi bộ nhiều lần trong một tuần với quãng đường ngắn hơn là chạy một lần với quãng đường dài, gắng sức. Cần bác sĩ chuyên khoa về kế hoạch luyện tập thích hợp với bản thân nhằm giúp cơ thể có thời gian dần thích ứng. Đối với những người béo phì cần giảm béo bằng chế độ ăn cũng như vận động thích hợp.
Cũng có khi đau khởi phát sau một động tác mạnh đột ngột như vận động viên chạy đạp chân mạnh để lấy đà chạy. Đau cũng tăng lên nhiều hơn khi đi lại trên bề mặt cứng hoặc khiêng vác vật nặng. Đau nhiều có thể ảnh hưởng tới công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Khám bệnh lâm sàng: dùng ngón cái ấn tại chỗ gót chân đau chói, buốt. Nếu yêu cầu bệnh nhân đứng bằng gót chân đau thường tăng đau rất nhiều.
Cần chụp phim Xquang vùng gót chân để phát hiện hình ảnh gai xương gót là một gai nhọn nhỏ mọc lên từ mặt dưới xương gót ở vùng gan chân. Tuy nhiên quan trọng hơn là để phát hiện những tổn thương khác nguy hiểm hơn cũng gây đau xương gót như viêm nhiễm xương, gẫy xương, u xương gót hay áp-xe phần mềm tại chỗ.
Nhận xét
Đăng nhận xét